Câu cá bống dừa

Ai ở vùng sông nước miền tây chắc cũng biết và đã từng câu cá bống dừa. Câu cá bống dừa ngày nay chỉ còn là hoài niệm. Buồn xách cần câu, về câu không được 2 vợ chồng con cá. Ngày xưa đi câu bống dừa ngoài việc thư giản còn là một cách để cải thiện bữa cơm nghèo.

Cá bống dừa ngày xưa rất nhiều, trong mương, vũng, ngoài sông rạch chỗ nào cũng có. Đặc điểm của cá bống dừa là không sống nơi nước quang đãng, mà sống ngõ ngách, trong tàu lá dừa rụng dưới mương, trong bó củi ngâm trong xẻo... mà nhiều nhất là trú trong ngách lá dừa nước, vì lẽ đó mà nó được mang tên là cá bống dừa.
C
á bống dừa có đặc điểm là thay đổi màu theo môi trường, nhưng môi trường sống của nó là ngóc ngách nên chả con nào trắng, thường con trong ao trắng hơn con ngoài sông. Thịt cá bống dừa mềm, ngọt, vị mát. Có thể chế biến nhiều món tùy thích, tuy nhiên đơn giản nhất là kho khô sả và nấu canh rau bù ngót.
Dụng cụ câu cá bống dừa dễ kiếm, chỉ cần lựa đốn một cây trúc nhỏ, một sợi nhợ ni-lông chừng 1 mét (không có thì lấy chỉ vá đồ của mẹ se lại cũng được), còn lưỡi câu thì chọn loại lưỡi vừa, mua ngoài chợ hoặc mua ở thợ uốn lưỡi câu, kimh nghiệm lưỡi câu thợ nhạy hơn lưỡi câu đút mua ngoài chợ. Tuy nhiên vẫn câu được cá mà không cần lưỡi, gộ nôm na là "câu luồn".
Câu cá bống dừa thì câu vào bất cứ thời điểm nào vào ban ngày, mồi thì luôn là mồi trùn, lựa con trùn quắn - thứ trùn mà tao đào lên nó cuốn lại như con cuốn chiếu, loại trùn này nhiều mủ, tanh thu hút được nhiều cá.
Câu có lưỡi câu thì ta câu lúc nước cạn, câu chủ yếu trong mương, ngoài xẻo. Trong mương lựa chỗ có ngâm cây, ngâm củi hay chỗ có ngóc ngách hang hốc mà câu. Nhịp cần câu nhẹ nhàng trước cửa hang ổ của chúng, vừa làm xao động nước, vừa làm mùi tanh của mồi loang ra, cá từ trong lao ra đớp giật thật sướng tay.
Nếu không câu trong ao thì ra xẻo, lựa chỗ nách lá dừa nước mà câu. Cách này hơi mệt vì phải đứng trên bộp lá câu, giật lên gặp nhiều chướng ngại vật.
Khi nước vừa chớm lớn, thì câu không cần lưỡi. Ta bẻ một cộng lá dừa, tuốt bỏ lá lấy cộng, cột vào đầu dây câu luồn qua 2 con trùn, lúc này mồi dài gần 1 tấc. Đem theo một cái rổ, loại rổ xúc của dân miệt vườn, tìm chỗ đầu nguồn nước chảy vào ao, vào mương. Đặc điểm của cá bống dừa là khi nước chớm lớn nó bỏ hang ổ đi ăn, ta ngồi ngoài đợi nước lớn và thả câu. Cá trong ao ngược dòng nước theo ra từng đàn, ta thả mồi chúng đớp ngay lấy, ta giật nhẹ cần câu lên có khi dính 2, 3 con, vì câu không có lưỡi nên phải đưa rổ ra hứng. Câu kiểu này cá không rách mép, không bị thương, có thể đem về rộng vài ngày.
...
Nhưng chuyện câu bống dừa giờ chỉ là hoài niệm, Con người càng ngày càng đông, các phương tiện đánh bắt "hiện đại" như bỏ thuốc, rà điện... đã làm kiệt quệ mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá. Thêm nữa ngày nay mà lội vô vườn, vô xẻo người khác câu cá cũng khó. Xưa con nít lội đâu thì lội, lỡ hái trái ổi trái mận ăn giải khát cũng chẳng ai la rầy... Con trai tôi ngày nay chỉ thấy mẹ nó đi chợ mua cá, hồi bằng tuổi nó tôi đã theo người lớn lên bờ xuống ruộng, nói thì cực khổ nhưng thật sự thì rất vui. Hoài niệm chỉ có thể trở về trong giấc mơ mà thôi. Ngày xưa ơi!
Xin mượn câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương để kết thúc bài viết này: 

...Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại... 

Bài viết lâu lắm rồi không nhớ nữa


0 nhận xét:

Đăng nhận xét