Đi chong tép bầu

Ai người vùng sông nước cũng đều biết tới cái chong, một dụng cụ đánh cá quen thuộc. Chong cũng là cái vó, nhưng vó thì to lớn, dùng ở sông rạch, do người lớn quản lí. thì cái chong là một kiểu vó nhỏ, dùng cho trẻ em, nhưng có hiệu quả cực kì trong việc bắt tép bầu cho bữa cơm quê nghèo thêm phầm ấm áp.

Nhớ những năm thập kỉ 80, 90 thế kỉ trước, bọn trẻ nhà quê vất vả hơn bọn trẻ bây giờ. Lũ nhỏ bây giờ tối ngày chỉ cắm đầu học và học, hết chính khóa tới phụ đạo, bồi dưỡng, học thêm. Nhà nào cũng chỉ có một hai đứa nên nuôi con theo kiểu công nghiệp, đâu như lớp của mình ngày xưa chân đất đi học. Cả đám đi học về quăng vở ra đó (vì không có tiền mua cặp) rồi tản mác khắp nơi, mỗi đứa mỗi việc, mà con nít vùng sông nước đâu có việc gì ngoài việc tập tành đâm hà bá.

Ngày ấy sông rạch lắm tôm nhiều cá, vài đứa con nít xuống tắm một lát cái mương đục ngầu, tôm lết lên bãi để thở chỉ việc thò tay bắt, còn lòng tong thì ngóc đầu đầy mương chỉ việc lấy rổ vớt... Nhưng bị la rầy vì làm đục nước, nhà không có nước xài (nhà người dân đồng bằng miền Tây luôn có một cái ao để sử dụng nước hàng ngày). Mỗi ngày đều đặn hai con nước lớn ròng, nước từ sông cái đổ vào rạch nhỏ, từ những con rạch lại chảy vào mương vườn, từ những mương vườn lại chảy vào bờ ao nhà có cái cầu ao xinh xinh, nơi mẹ hàng ngày ngồi rửa chén, chiều chiều xách nước tắm lũ con nghịch ngợm.

Trẻ con ngày xưa dù cha mẹ cấm cản, can ngăn nhưng đứa nào cũng có ý thức phụ giúp gia đình, đứa thì đốn trúc làm cần câu, đứa chẻ trúc làm lọp, mình thì đi kiếm dây mây loại to, nếu không có thì chặt trúc làm chong, chỉ cần bốn cây trúc, một miếng vải mùng cỡ một mét vuông thời bao cấp là đã có một cái chong. Cột bốn góc mảnh vải mùng vào bốn đầu cây trúc, đầu trên cột chụm lại, kiếm  thêm hai cây trúc nữa cột chéo cái gọng cho chong không bị túm lại, kiếm cây tầm vông làm cán nữa là xong. mỗi đứa trẻ đi chong có ít nhất là ba cái chong như vậy.

Đi chong đợi nước vừa chớm lớn, nhảy xuống mương móc cục bùn, bỏ vào giữa chong, rắc thêm tí cám gạo vào giữa cục bùn làm "mồi". Cái lạ là khi nước ròng mương vườn cạn sát đáy, nhưng khi nước lớn vô chừng một tấc nước là bỏ chong xuống là có tép bầu. Chong không phải đặt chỗ nào cũng có, có chỗ "linh" chỗ không, thường chọn những ngã ba, những chỗ rạch thông với mương nhà thì mới có nhiều cá tép.

Đặt chong vài ba chỗ, đợi khoảng chừng năm phút, lại dở chong lên, tép bầu, cá bống, cá lòng tong nhảy loi nhoi thấy mà ham (nhưng hiếm khi có tép bạc), bắt tép cá bỏ vô giỏ xong, rắc thêm cám vào và hạ xuống ngay chỗ cũ, đi tới cái chong khác và lại dỡ lên... Tới khi nước lớn khỏi đầu gối là nghỉ, vì lúc đó nước nhiều, dỡ chong lên nặng lắm, thời gian lấy chong từ nước lên chậm quá cá tép ra hết rồi. Mà nước lớn nhiều thì giặt chong, gác lên cây phơi cho vải mùng đừng mục. 

Sau phần chong, tiếp tục trò khác là tắm sông, nói tắm sông chứ con nít chỉ tắm mương vườn, tắm xẻo mà thôi, người lớn cấm ra sông cái. Mà nghĩ cũng lạ, tắm sông thì lại có trò móc bùn, móc luôn những con hến, quăng lên bờ rồi không bắt về, hến chết, hôm sau kiến lửa bu tùm lum. Tắm sông không chỉ là tắm, mà là lội đua, lặn đua., trèo lên nhánh quao nhảy xuống nước, nhưng hấp dẫn nhất là móc bùn chọi nhau, có khi lặn xuống né oanh tạc, vừa ngóc lên móc theo cục bùn tìm đối phương thì nhận ngay môt cục bùn vô ngay mặt...

Chiều về có có ngay món tép bầu kho khô hay nấu canh bù ngót, xưa nhà ăn cơm sớm lắm, chừng ngoài bốn giờ chiều là ăn rồi, vì lúc đó chưa có điện, ăn tối quá tốn dầu. Tối học bài cho có rồi chui vô mùng quấn cái mền con rồng xanh đỏ mà nhớ lại những trò vui buổi chiều, những con tép lại tiếp tục nhảy loi nhoi trong giấc ngủ...

Hôm rồi về nhà ngoại chơi, thấy sau hè có máng cái chài chủm, sẵn nước lớn, ngứa nghề vác cái chài ra xẻo, cẩn thận khi đi còn xách theo cái thùng sơn đựng cá. Quăng hơn đâu hơn chục chài, bắt được đúng hai vợ chồng con tép ốm nhom với ba con cá bống xệ. Nản về mắc công giặt cái chài, quăng hai con tép với mấy cho cá cho mấy con gà, vô nhà bà ngoại kêu mày ra ao chài cá phi vô tao nấu canh chua cho mà ăn.

Sông nước Bến Tre ngày nay không còn như ngày xưa, bao nhiêu dư lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đều tuôn ra sông rạch, người ta dùng điện để bắt cá, diệt cả những ấu trùng tôm cá chưa thành hình, tới còng còn sông khống nổi. Nuôi heo đàn thì chất thải cũng đổ ra sông... Cha mẹ không cho con cái tắm sông nữa. Các bạn có thấy không, đi ngang qua những con mương thấy hang còng thì nhiều, mà còng thì bặt tăm... những dấu ấn của thời gian bây giờ như những nhát dao cứa lòng người. Sông nước miền Tây ngày mai đây rồi sẽ ra sao. Tôi hỏi các bạn, các bạn hỏi ai?

Quê nghèo, chiều 15 tháng 12 năm 2011











0 nhận xét:

Đăng nhận xét